Để dạy học phần lập trình cơ bản hiệu quả - chủ đề F theo SGK Cánh Diều

Theo yêu cầu cần đạt môn Tin học 2018 cho thấy, việc dạy học lập trình chú trọng nhiều tới kĩ năng thực hành. Ngay từ những bài đầu tiên học sinh đã có được trải nghiệm viết được một vài chương trình đơn giản hoàn chỉnh. Bởi thế, thời lượng dành cho các hoạt động thực hành trên máy là rất nhiều. 

Việc dạy học phần thực hành khiến giáo viên rất vất vả. Có lẽ, hiệu quả dạy học lập trình đa số không đạt như kì vọng là do tổ chức thực hành chưa được tốt. Hoạt động học tập trong các giờ thực hành đòi hỏi học sinh làm việc thực sự theo nhóm nhỏ (tối đa 02 học sinh/ máy tính), rất cục bộ. Trong giờ thực hành giai đoạn đầu học lập trình, phần nặng nhất đối với giáo viên lại không nằm ở nội dung thực hành mà ở các hoạt động quan sát, hỗ trợ kịp thời các nhóm học sinh gặp vướng mắc.

Thường giáo viên chỉ đủ thời gian hỗ trợ một vài nhóm nhỏ. Không có thời gian xem xét, giúp đỡ các nhóm khác là nguyên nhân chính gây ra việc học sinh rơi vào trạng thái "bơ vơ", không biết làm thế nào tiếp theo. Chính vì thế, các thầy cô chỉ chú ý được tới một vài nhóm các học sinh có tư chất tốt, học nhanh và cơ bản là các em có thể tự học. Đây là thực tế rất đáng lo bởi phần lớn HS còn lại không thể theo kịp mạch nội dung này.

Làm thế nào để giờ dạy thực hành đỡ vất vả với giáo viên, còn học sinh có thể chủ động học tập và giữ được sự hào hứng, tò mò cần thiết?

Để giờ thực hành suôn sẻ và đỡ vất vả, các giờ lí thuyết phải được dạy chu đáo, cẩn thận. Hướng tới mục tiêu: trong giờ thực hành chỉ diễn ra hoạt động viết chương trình trên máy và chạy thử, sửa lỗi. Các hoạt động về thuật toán như hiểu mô tả thuật toán, đọc hiểu thuật toán, mô phỏng được thuật toán trên bộ dữ liệu đơn giản... cần được làm rõ ở giờ lí thuyết. Như vậy, trong một thời điểm số lượng khó khăn được giảm đi nhiều, mỗi giờ có một trọng tâm sẽ hiệu quả hơn.

Trong giai đoạn đầu học lập trình, đa phần học sinh gặp khó khăn ở những chi tiết kĩ thuật rất nhỏ về cú pháp ngôn ngữ lập trình. Mặc dù các lỗi này rất đơn giản, nhưng do HS chưa có kinh nghiệm nên không thể tự mình xử lí, bởi thế rất cần sự hỗ trợ tận tình của thầy cô hoặc các bạn.

Các thầy cô nên sử dụng công cụ chấm bài tự động để hỗ trợ dạy học lập trình. Ở giai đoạn dạy lập trình cơ bản, các thầy cô có thể sử dụng phần mềm chấm bài Themis của thầy Lê Minh Hoàng để thiết lập môi trường nộp, chấm bài trong mạng LAN. Khi sử dụng hệ thống chấm bài tự động, các yêu cầu bài toán cần được điều chỉnh sao cho chuẩn, các thầy cô có thể chỉnh sửa lại phần input, output rõ ràng. Ví dụ như bài tính Tích hai số - Bài 1, SGK Cánh Diều, trang 59 có thể điều chỉnh lại như sau:

TICHHAISO.PY

Nhập vào hai số nguyên A, B; Tính và in ra giá trị tích A*B.

Input: Dòng đầu ghi số nguyên A; Dòng thứ hai ghi số nguyên B.

Output: Ghi một số nguyên duy nhất là kết quả cần tìm.

Ví dụ:

Input:

3

4

Output:

12

Khi đó, nếu có sẵn các bộ input theo quy cách như mô tả ở đầu bài, và bộ output chuẩn tương ứng với mỗi input đó, ta có thể dùng Themis để chấm tự động. Việc thiết lập Themis chấm bài trong mạng LAN các thầy cô có thể tham khảo video này.

Khi có được hỗ trợ của hệ thống chấm bài tự động, việc các học sinh gặp khó khăn tại vị trí nào sẽ dễ dàng được xác định bằng cách quan sát kết quả làm bài, xem code của các em đã nộp lên.

Các thầy cô có thể sử dụng hệ thống chấm bài online tại một số trang như lqdoj.edu.vn hoặc có thể yêu cầu học sinh làm bài tại địa chỉ này

Trong quá trình tìm hiểu hệ thống chấm bài, các thầy cô có thể đặt câu hỏi bằng cách comment tại post này.

Comments

Popular posts from this blog

Bài toán dãy tìm con liên tiếp

Hướng dẫn cách Debug trong Free Pascal

Tìm kiếm nhị phân (Binary Search)